Công ty SmartBooks tham gia Vietnam ICT Summit 2018 (Thứ Tư, 18/07/2018)

Ngày 18/7/2018 tại Khách sạn InterContinental Landmark2, Hà Nội. Công ty SmartBooks tham gia Diễn đàn Cấp cao Vietnam ICT Summit 2018 với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”, đây là lần thứ 8 chương trình được tổ chức với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”.

Tham dự diễn đàn có Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thu hút sự tham dự của 500 đại biểu là lãnh đạo cấp cao các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức có nhu cầu lớn về ứng dụng CNTT, lãnh đạo các doanh nghiệp CNTT hàng đầu trong nước và quốc tế, các chuyên gia công nghệ, phóng viên báo chí truyền hình.

Tại diễn đàn, kinh nghiệm xây dựng Chính phủ số tại các quốc gia Estonia, Malaysia được Ông Hannes Astok – phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Chính phủ số Estonia, Ông Idris Jala, Chủ tịch Công ty tư vấn toàn cầu PEMANDU đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiên chuyển đổi kinh tế xã hội bền vững. 

Estonia là một quốc gia nhỏ gặp rất nhiều vấn đề khó khăn sau khi tách khỏi Liên bang Xô Viết đã vươn lên trở thành quốc gia số hoá thành công nhất thế giới với quyết tâm cao độ của Chính phủ nước này cùng với khoản ngân sách 70 ngàn USD để triển khai Dự án Chính phủ điện tử đầu tiên. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia của nước này đã cung cấp đến 99% các dịch vụ thiết yếu (1.500 dịch vụ trực tuyến) cho người dân, doanh nghiệp và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử (eID), xác thực thông qua số điện thoại (MobileID) cùng chữ ký số để thực hiện giao dịch với các cơ quan Nhà nước. Đặc biệt, phải kể đến Hệ thống thông tin phục vụ họp Chính phủ (e-Cabinet) và hệ thống tham vấn chính sách (e-Consultation), giúp các cơ quan đầu não có thể theo dõi, quản lý lịch họp, nghiên cứu, xử lý tài liệu, hồ sơ điện tử qua mạng. Các hệ thống này giúp tăng hiệu quả, giảm thời gian, giấy tờ cho các cuộc họp của Chính phủ, thậm chí tạo nên “kỳ tích” khi có những cuộc họp Chính phủ diễn ra trong khoảng thời gian 30 phút, cuộc họp ngắn nhất kéo dài 01 phút…
 
Còn tại Malaysia đã triển khai Chính phủ điện tử dựa trên mô hình PEMANDU (Performance Management Delivery Unit) trong 10 năm đã đạt được những kết quả to lớn như: Tạo ra được 2,6 triệu việc làm; tỉ lệ thâm hụt ngân sách giảm từ 6,6% còn hơn 3%. Cụ thể, mô hình PEMANDU với 8 bước BFR (Big Fast Result): Đặt mục tiêu đúng đắn; Xây dựng kế hoạch chi tiết; Chọn ngày công bố; Chỉ ra đường lối thực hiện rõ ràng; Xây dựng và đo lường và giám sát bằng KPI rõ ràng; Thực thi và giải quyết các vấn đề; Đánh giá kết quả từ bên ngoài; Báo cáo tổng kết định kỳ hàng năm và rút kinh nghiệm.
 
Theo số liệu khảo sát của VINASA với 180 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp diễn đàn năm nay có 28,9% hiện đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số, 32,2% trả lời “Đã hiểu và đã sẵn sàng mọi nguồn lực cho chuyển đổi số” và không có phiếu nào đề cập là không có hiểu biết và hành động để thúc đẩy chuyển đối số trong cơ quan, tổ chức của mình.
 
Đi đôi với phát triển kinh tế số là hạ tầng số, cũng trong hội nghị chuyên đề “Hạ tầng số” đã đề cập đến vấn đề xây dựng hạ tầng thiết bị, dữ liệu, ứng dụng, pháp lý và nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và phát triển kinh tế số Việt Nam.
 
 PHÓNG VIÊN
 
 

Bài viết khác

Powered by gweb.vn Thiết kế website chuyên nghiệp